18. học nhi bất yếm

 

學而不厭 (学而不厌)

xué ér bù yàn

學 học = học; 而 nhi = mà; 不 bất = không; 厭 yếm = chán. 

學而不厭 học nhi bất yếm = học không biết chán. 

Học nhiên hậu tri bất tuc = học rồi mới thấy không đủ. Nên càng phải học nhiều hơn, học, học nữa, học mãi. Học không biết chán.

Đây là câu lấy trong Luận ngữ (7.2): 子曰: 默而識之,學而不厭,誨人不倦,何有於我哉 Tử viết: Mặc nhi thức chi, học nhi bất yếm, hối nhân bất quyện, hà hữu ư ngã tai? = Khổng tử nói: Lặng lẽ mà tìm biết, học không biết chán, dạy người không biết mệt. Những điều ấy liệu ta có chăng? 

HỌC CHỮ

爻 hào [yáo] = hào, vạch. Bộ 爻 hào. Trong Dịch, vạch liền 一 gọi là hào dương, vạch đứt - - gọi hào âm. Ba hào kết hợp lại thành một quẻ. Có tất cả 8 kết hợp như thế, nên có 8 quẻ (bát quái) là càn, khảm, cấn, chấn, tốn, li, khôn, đoài. 
Cờ Hàn Quốc: giữa là hình lưỡng nghi, quanh là bốn quẻ: càn, khảm, khôn, li.
Cờ VN thời chính phủ Trần Trọng Kim gọi là cờ quẻ li, gồm ba gạch; hai bên là gạch liền, giữa gạch đứt. Quẻ li chỉ phương nam. Cờ VNCH có ba vạch, nếu (giả sử) coi là quẻ, thì là hình quẻ càn, tượng trời.
冖 mịch [mì] = trùm, che. Tượng hình cái nắp che. Mịch 冖 chỉ dùng làm bộ nét.
子 tử (zi) = con; con trai; thầy (thêm sau họ để tôn xưng); chuyển chú đọc = chi tí. 
Bộ 子 tử. Giáp cốt văn là hình đứa bé mới sinh. 
Thế tử = con trưởng của vua, chúa. Phụ tử = cha con. Khổng tử, Mạnh tử = thầy Khổng, thầy Mạnh. Sĩ tử = anh học trò.
學 (学) học [xué] = học. Bộ 子 tử. Nghĩa gốc là lớp học, gồm hình cái nhà 冖 + chữ hào 爻 chỉ âm đọc. Sau thêm 子 đứa trẻ + 𦥑 hình hai tay biểu đạt ý cùng nhau đến học hoặc sự dẫn dắt.

 而 nhi [er] Giáp cốt văn tượng hình bộ râu, nghĩa gốc là râu, lông ở má. Thường mượn (giả tá) làm liên từ, có nghĩa mà, nhưng, và, ..  
Bất dực nhi phi = không cánh mà bay. Lộ xỉ nhi tiếu = cười nhe răng. Nhất nhi bách 一而百 một tới trăm. Phụ nhi thân 父而身 cha tới mình. 

不 bất [bù] = không. Hình mầm cây vừa bén rễ, còn nằm dưới mặt đất 一. Bị mượn (giả tá) làm phó từ, có nghĩa là không. Còn nghĩa mầm thì thêm bộ nhục đặt chữ mới: phôi 肧. [pēi]
不一 không như nhau. 不二 không hai (lòng), không làm lại lần hai. Bất lực 不力 không hết lòng hết sức (ta thường hiểu là không có sức, không có khả năng).
厂 hán [hăn] Tượng hình sườn núi. Chỉ dùng làm bộ nét (làm bộ thủ, chỉ kết hợp với chữ khác để tạo chữ, không dùng một mình như một chữ). 
曰 viết [yuē] = nói. Hình cái lưỡi trong miệng. Chú ý phân biệt với chữ nhật 日 mặt trời.
Tử viết 子曰 Thầy (Khổng tử) nói rằng. 
肉 nhục [ròu] = thịt. Giáp cốt văn tượng hình miếng thịt sườn. Nhục 肉 là một bộ thủ chữ Hán, khi ghép với chữ khác để tạo chữ mới còn viết là ⺼(gọi là biến thể).
Kê nhục = thịt gà. Cốt nhục = xương và thịt. Quả nhục = phần cơm (nạc) của trái cây.
犬 khuyển [quăn] = con chó. Khuyển 犬 là một bộ thủ chữ Hán, có biến thể là 犭. Chữ tượng hình, giáp cốt văn vẽ rất giống, đến nỗi Khổng Tử phải khen: Nhìn chữ khuyển sao mà giống như hình con chó vậy “視犬之字如畫狗也” (thị khuyển chi tự như họa cẩu dã). Nay ở dạng chữ khải 犬 thì trông giống người  大 bị chó đuổi chạy toát mồ hôi hột hơn. 
厭 (厌) yếm [yàn] = no đủ, thỏa mãn; chán ghét. Ban đầu vốn là hình con chó 犬 miệng  口 ngậm miếng thịt ⺼ (tức 肉); biểu thị ý no đủ (nên chó cũng có thịt mà ăn). Về sau vẽ cái miệng có thêm cái lưỡi (để thưởng thức?) thành 曰, rồi thêm bộ hán 厂 . No đủ, thỏa mãn, tức đã chán chê; 厭 yếm mở rộng thêm nghĩa chán ghét.
Giản thể chỉ còn hình con chó ngồi bên bờ đất cao, sau khi đã ăn hết thịt, thấy no, thỏa đến chán ngán.
Tham đắc vô yếm = tham lam không chán. Binh bất yếm trá = việc binh thì không ngại việc lừa dối. Yếm văn = chán nghe. Yếm thế = chán đời. Yếm nhân = chán ghét người đời.
Đố chữ (là chữ Hán gì?):
Con chó nằm cạnh bờ sông, miệng ngậm miếng thịt ngước trông trăng vàng.

*
Hình chữ yếm 厭 với các thể chữ (cột bên phải, theo thứ tự từ trên xuống) kim văn, tiểu triện, lệ thư, khải thư, thảo thư và hành thư. (Hình trên trang qiyuan.chaziwang)  




Comments