Tuyệt cú 2 . Đỗ Phủ

 絕句 (其二)

江碧鳥逾白, 

山青花欲燃。

今春看又過,

何日是歸年。

杜甫


Âm HV: Tuyệt cú (kì 2)

Giang bích điểu du bạch,

Sơn thanh hoa dục nhiên.

Kim xuân khan hựu quá,

Hà nhật thị quy niên.

Đỗ Phủ


Chú:

- 絕句 tuyệt cú: thể thơ có từ thời Lục Triều, nhưng đến đời Đường mới thịnh hành. Tuyệt 絕 có nghĩa là dứt, hết. Tuyệt cú chỉ thể thơ mỗi bài chỉ có 4 câu là dứt. Nếu mỗi câu có 5 chữ thì gọi là ngũ ngôn tứ tuyệt, hay nói gọn là ngũ tuyệt 五絕. Thường gặp là  ngũ tuyệt, thất tuyệt; lục tuyệt ít gặp. 

Tuyệt cú có thể là luật tuyệt hay cổ tuyệt. Luật tuyệt thì phải tuân thủ các quy tắc về niêm luật, bằng trắc, .. của thơ Đường luật. Cổ tuyệt tức thể thơ cổ phong, nhưng chỉ có bốn câu.

- 其二 kì nhị = bài hai. Đỗ Phủ có nhiều chùm thơ tuyệt cú. Có chùm hai bài, có chùm 3 bài, 4 bài, .. Đây là bài hai trong một chùm hai bài ngũ ngôn tuyệt cú ông viết năm 764. 

- 江碧 giang bích = màu xanh biếc của dòng sông; dòng sông xanh biếc. 

- 逾 du:更多 (càng thêm).

- 花欲燃 hoa dục nhiên = hoa giống như cháy, như đỏ lửa. Tỉ dụ hoa đỏ rực như lửa. 欲 dục (phó từ) = sắp, muốn, giống như.  燃 nhiên = nhen lửa, cháy, thiêu.

- 看 khan = nhìn, xem. Thường đọc là khán, ở đây đọc khan cho hợp luật thơ

- 歸年 quy niên = năm tháng trở về nhà. 年 niên: năm tháng, phiếm chỉ thời gian.


Nghĩa.

Dòng sông biếc khiến trông cánh chim càng trắng, 

trên nền núi xanh những bông hoa thêm rực đỏ.  

Lại thêm một lần nhìn mùa xuân thế này qua đi, 

chẳng biết tháng năm nào mới được về nhà.


Tạm dịch

Sông biếc chim trắng toát,

Núi xanh hoa đỏ lòe.

Thêm mùa xuân nữa hết,

Năm tháng nào về quê?


Đọc thêm một số bản dịch thơ đọc được trên trang thivien . net


Sông biếc chim mờ trắng

Hoa tươi núi thắm cao

Xuân nay đã thấy cảnh

Trở lại biết năm nao

Lê Nguyễn Lưu

(Đường thi tuyển dịch, NXB Thuận Hoá, 1997)


Sông biếc chim càng trắng!

Non xanh hoa rọi hồng

Bao giờ về xứ sở?

Xuân lại một mùa trông!

Nhượng Tống

(Thơ Đỗ Phủ, Nhượng Tống dịch, in lần thứ 2, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 1996)


Sông biếc chim càng trắng,

Núi xanh hoa thắm màu.

Xuân này qua mất nữa,

Về được, biết năm nào?

Chế Lan Viên

(Thơ Đỗ Phủ, Hoàng Trung Thông, NXB Văn học, 1962)


Thư pháp. Hình trên mạng.


Comments