Cổ ý. Tùng Thiện Vương

 古意  

君家江之南

妾家江之北

一葦上可杭

相見不可得

從善王


Âm Hán Việt

Cổ ý

Quân gia giang chi nam

Thiếp gia giang chi bắc

Nhất vĩ thượng khả hàng

Tương kiến bất khả đắc

Tùng Thiện Vương.


Chú thích. 

- 古意 cổ ý: ý cũ. Tác giả mượn ý cũ trong thơ xưa.

- 葦 vĩ: loại thuyền thân hẹp mà dài như lá cỏ. 蘆葦 lô vĩ: cỏ lau, sậy.

- 杭 hàng, như chữ 航 hàng = đi qua sông.

- 相見 tương kiến: gặp nhau

- 不可得 bất khả đắc: không thể [gặp] được.

Bài thơ lấy tên là cổ ý = ý cũ, là tác giả mượn ý cũ trong thơ xưa (ai bảo người xưa ko có khái niệm plagiarism?!). Trong bài này tác giả mượn hai ý cũ.

+ hai câu đầu: là từ câu thơ nổi tiếng 君在湘江頭,妾在湘江尾 quân tại Tương giang đầu, thiếp tại Tương giang vĩ (= chàng ở đầu sông Tương, thiếp ở cuối sông Tương) là ca từ của một khúc cổ cầm xưa (cũng có người cho là trích từ bài thơ của Lương Ý Nương thời Ngũ đại bên Tàu) đã rất quen thuộc với người Việt, được nhiều người mượn ý: Nguyễn Du trong Truyện Kiều

Sông Tương một giải nông sờ
Bên trông đầu nọ, bên chờ cuối kia.

Đặng Trần Côn trong Chinh phụ ngâm khúc:

Tiêu Tương yên trở Hàm Dương thụ,
Hàm Dương thụ cách Tiêu Tương giang.
Tương cố bất tương kiến,
Thanh thanh mạch thượng tang.

được Đoàn Thị Điểm (Phan Huy Ích?) dịch

Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương,
Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng.
Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy,
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu.

Khoảng những năm 196x, Hoài Vũ cũng từng mượn ý viết mấy câu thơ đầu tiên trong bài Gởi miền Hạ:  

Anh ở đầu sông em cuối sông
Uống chung dòng nước Vàm Cỏ Đông
Thương nhau đã chin ba mùa lúa
Chưa ngày gặp lại, nhớ mênh mông!

từng được Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc (1978).

+ hai câu cuối là mượn ý từ câu thơ cổ trong Kinh Thi 誰謂河廣, 一葦杭之 thùy vị Hà quảng, nhất vĩ hàng chi = ai bảo sông Hoàng Hà là rộng, một cọng lau cũng qua được.

Tác giả: Tùng Thiện Vương (1819 - 1870) tên thật Nguyễn Phúc Miên Thẩm, con trai thứ 10 của vua Minh Mạng, là nhà thơ từng được vua Tự Đức khen ngợi hết lời: "Thi đáo Tùng Tuy thất Thịnh Đường" ( = thơ đến như Tùng Thiện Vương, Tuy Lí Vương thì thời Thịnh Đường cũng không có được, ghê!)


Nghĩa: Ý cũ

Nhà chàng ở phía nam con sông,

Nhà thiếp ở phía bắc con sông.

Một chiếc thuyền lau là có thể qua sông

Mà gặp mặt nhau thì không thể được.


Xưa, chỉ uống nước chung dòng mà ko gặp được nhau đã làm đôi trai gái nhớ nhung đến thế, nay nhìn thấy nhau mà không gặp được, họ đau đớn biết bao nhiêu! Tình cảnh có như nay các anh các chị có thể thấy nhau qua video mà ko thể gặp mặt nhau ko nhỉ!

Tạm dịch

Nhà chàng ở bờ nam, 

Nhà thiếp bên bờ bắc.

Chiếc thuyền lau đủ sang,

Mà gặp nhau chẳng đặng.


Đọc thêm một số bản dịch cho vui (chép lại từ trang thivien . net)


Nhà anh ở bờ nam

Nhà em ở bờ bắc

Thuyền lau có thể sang

Thấy nhau mà chẳng gặp

Trương Việt Linh


Nhà chàng ở phía nam sông

Bắc sông nhà thiếp khó lòng gì đâu

Cây lau còn bắc được cầu

Thế mà chẳng được thấy nhau dễ dàng

Nguyễn Phước Bảo Quyến


Nhà em ở phía bắc sông

Nhà anh chỉ ở cách dòng, phía nam

Một cành lau đủ đưa sang

Mà đây với đó khôn đàng gặp nhau

Lương An.

hoa trong vườn





Comments