thành ngữ chữ Hán - ôn 1

Hôm nay dành thì giờ ôn lại 7 câu thành ngữ đã học: 1. 一石二鳥 nhất thạch nhị điểu, 2. 一箭雙雕 nhất tiễn song điêu, và 3. 一舉兩便 nhất cử lưỡng tiện.

Ba câu, nghĩa tương tự, là một công đôi việc.

Học chữ Hán, thật ra không chỉ nhất cử lưỡng tiện, mà là tam, tứ .. tiện. Nhiều người cũng biết thế, cũng muốn học, nhưng lại ngại, thấy loại chữ khối vuông này có vẻ khó quá. Có hai cái thường được cho là khó khi học chữ Hán: khó viết, khó nhớ mặt chữ.

- khó viết: thật ra nhìn chữ Hán thấy rối rắm thế thôi, chung quy chỉ gồm 8 nét cơ bản - chấm, phết, ngang, sổ, .. và một số biến dạng của chúng. Và cũng có quy tắc có thứ tự trước sau hẳn hòi. Nên để viết đẹp thì khó, còn để viết đúng, người khác đọc được thì không khó. Nhất là ngày nay, trên Youtube có rất nhiều clip hướng dẫn tập viết các nét cơ bản, nhiều từ điển online có cả ảnh động (.gif) hướng dẫn cách viết từng chữ, tự học dễ dàng.

- khó nhớ: như trong một ghi chú ở bài trước, có ba cách chính để tạo ra chữ Hán: vẽ hình, ghép hình và mượn hình. Trong đó số lượng chữ loại ghép hình (chữ hội ý và chữ hình thanh) chiếm tỉ lệ rất lớn. Phần lớn chữ Hán đều do ghép từ hai hay nhiều chữ khác mà thành, trong đó có khoảng 200 chữ cơ bản (được gọi là bộ thủ) được sử dụng rất nhiều để ghép hình tạo chữ. Vì vậy thuộc được số chữ cơ bản này, hiểu được cấu tạo của chữ thì sẽ dễ nhớ mà lâu quên mặt chữ hơn, so với lối học thuộc lòng nguyên từng chữ thời xưa. 

Làm gì, học gì cũng vậy thôi, vạn sự khởi đầu nan 4. 萬事起頭難, quen rồi thì thấy cũng không quá khó. Có chí thì nên 5. 有志更成, có công mài sắt có ngày nên kim 6. 磨杵成針 . Người xưa không có cả dầu thắp đèn để học, phải nhờ ánh sáng phản chiếu của tuyết để học 7. 映雪讀書 vẫn có thể thành tài, ta nay có internet, có laptop, có smartphone .. học hành thuận lợi hơn nhiều, chỉ cần thêm chút ý chí là chắc chắn học được.

Bảy bài, nếu nhớ được hết, kể cả cấu tạo của chúng thì, trừ đi những chữ trùng lặp, cũng còn hơn 90 chữ. Chịu khó, chẳng bao lâu cũng sẽ học được 2000 ngàn chữ, là số chữ tối thiểu mà các nước Hàn, Nhật yêu cầu với học sinh phổ thông của họ; cũng là số chữ tối thiểu để được coi là xóa mù chữ ở Tàu ngày nay.

Thật ra chỉ cần có số vốn khoảng vài trăm chữ, bạn đã có thể đọc những bài tứ tuyệt 5, 7 chữ của Tàu, của ta .. Khéo chọn, mỗi bài chỉ có vài chữ chưa biết, tra tự điển để học dễ dàng. 

Trong bảy bài vừa qua cũng có một số ghi chú về một số thuật ngữ, xin tóm tắt lại, ai chưa đọc hay đã quên có thể nhớ lại, để dễ theo dõi các bài sau hơn.

- lục thư: 6 cách cấu tạo chữ Hán, gồm (1) tượng hình và (2) chỉ sự - là loại vẽ hình; (3) hội ý và (4) hình thanh, là loại chữ ghép hình. Trong chữ hình thanh, bộ phận chỉ nghĩa gọi là hình bàng, bộ phận chỉ âm đọc gọi là  thanh bàng. (xem thêm chú ở bài 2 nhất tiễn song điêu)

- thất thể: 7 dạng chữ Hán. Theo thứ tự thời gian có thể kể: Giáp cốt văn, Kim văn, triện thư, lệ thư, khải thư, thảo thư, hành thư. Trong đó khải thư (còn gọi chân thư, chính thư, ..) xuất hiện vào khoảng đầu Công nguyên, thời Đông Hán, vẫn được dùng phổ biến cho đến nay. Một số chữ khải ngoài dạng truyền thống còn có dạng đơn giản, gọi là giản thể (và khi đó, dạng truyền thống được gọi là phồn thể). Một số giản thể có từ xưa, nhưng phần lớn mới được tạo ra sau khi Mao lên nắm quyền. Có khoảng hai ngàn chữ có giản thể. Chữ giản thể được sử dụng ở Trung hoa lục địa, một số cộng đồng người Hoa ở các nước; còn Đài Loan, Hồng Kong, Ma Cao vẫn dùng dạng chữ truyền thống, phồn thể. (xem thêm: bài 3 - nhất cử lưỡng tiện)

- bộ thủ: Trong các từ điển chữ Hán người ta thường sắp xếp các chữ theo bộ và số nét. Có 214 bộ như thế. Mỗi chữ Hán chỉ thuộc một bộ, chữ đứng đầu mỗi bộ gọi là bộ thủ, các chữ thuộc bộ nào thì đều có chứa bộ thủ của bộ ấy. (xem thêm: - ma xử thành châm).

Hình: Dạng giáp cốt của các chữ thử = chuột, ngưu = trâu, hổ = cọp, thố = thỏ, long = rồng, xà = rắn, mã = ngựa, dương = dê, hầu = khỉ, kê = gà, cẩu = chó và trư = heo (mười hai con giáp). Đều là chữ tượng hình, trông cũng khá giống đấy chứ!



(Hình: gmzm.org)



Comments