10 tỉnh để chi oa

井底之蛙 [jǐng dǐ zhī wā]

井 tỉnh = giếng; 底 để = đáy; 之 chi = thuộc về; 蛙 oa = ếch.
井底之蛙 tỉnh để chi oa = ếch ngồi đáy giếng. Nên thấy trời bằng cái vung. Chỉ người kiến văn hạn hẹp. 
Có câu chuyện kể, rằng xưa có một con ếch từ nhỏ sống trong một cái giếng. Một hôm có con rùa biển không may rơi xuống giếng. Gặp gỡ nói chuyện, nghe rùa kể chuyện biển rộng mênh mông, con ếch không tin, bụng nghĩ thầm con rùa già nói xạo. 
Trong cuộc sống có lắm người kiến thức hẹp hòi, lại tự cho mình là duy nhất đúng, ai nói khác đi thì cho là nói điêu nói bậy. nên Trang tử từng nhận xét, rằng không thể nói chuyện biển cả với con ếch cả đời sống nới đáy giếng, cũng như không thể nói chuyện tuyết rơi với loài côn trùng sinh ra rồi chết đi chỉ trong mùa hè [1]. 
Nhưng dĩ nhiên cũng cần đề phòng chính bản thân mình thiếu hiểu biết, lại chê người khác dốt, không đáng nói chuyện. Giai thoại nhà thơ lớn Tô Đông Pha sửa thơ Vương An Thạch luôn là bài học cho ai thích tự cho mình duy nhất đúng vậy. [2]


HỌC CHỮ: 

井 tỉnh [jĭng] = giếng. Hình cái miệng giếng, quanh miệng có bốn thanh gỗ làm thành.
Thủy tỉnh = giếng nước. Thiên tỉnh = giếng trời, sân lộ thiên trong nhà. Tỉnh ngư = cá trong giếng, chỉ người kiến văn hẹp hòi. Tỉnh điền = phép chia ruộng ở Tàu ngày xưa, chia một khu đất thành 9 phần như hình chữ tỉnh, 8 phần xung quanh giao cho 8 người làm thu lợi tức; phần giữa là công điền, 8 nhà chung làm, thu hoạch rồi nộp cho triều đình.

氏 thị [shì] = họ tộc. Hình thân cây với lá, cành biểu đạt quan hệ họ tộc. 
低 đê [dī] = cúi xuống; thấp. Vốn viết 氐, là hình người khom lưng cúi xuống bê một vật nặng, bị mượn mất để chỉ sao Đê, nên tạo chữ mới. 氐 cũng có khi được dùng thay cho 低. 
广 nghiễm [yăn] = mái nhà. Chữ tượng hình.
底 để [dĭ] = đáy, gốc. Chữ hình thanh, nghiễm 广 (mái hiên) chỉ ý + đê 氐 (sao Đê) chỉ âm đọc. 大底 = đại khái, đại loại; nói chung trên nét lớn là. 

之 chi [zhī] Giáp cốt văn là hình bàn chân + vạch xuất phát, nghĩa gốc là đi, sau thường mượn làm giới từ, có nghĩa là của, thuộc về: A 之 B = B của A. Dân chi phụ mẫu = cha mẹ của dân (chỉ ông quan hồi xưa). 

虫 trùng [chóng] = côn trùng, sâu bọ. Hình một con sâu. 
土 thổ [tǔ] = đất. Hình đống đất
圭 khuê [guī] = ngọc khuê. Hội ý của hai chữ thổ 土 đất. Nghĩa gốc là đất phong, sau dùng chỉ thanh ngọc trên nhọn dưới vuông mà thiên tử khi phong vua chư hầu thì ban cho làm tin. Mở rộng, chỉ thẻ ngọc vua, quan mang trong các dịp lễ lớn.
Nhật khuê 日圭 dụng cụ đo bóng mặt trời ngày xưa, hình dạng giống cái ngọc khuê. 
蛙 oa [wā] = ếch, nhái. Chữ hình thanh, trùng 虫 chỉ ý (dù thực ra ếch không phải là loài côn trùng) + khuê 圭 (một loại thẻ ngọc) chỉ âm đọc.

*
[1] Trang tử, Nam hoa kinh, thiên Thu thủy
[2] Tô Đông Pha và Vương An Thạch là hai trong bát đại gia (tám nhà văn lớn thời Đường Tống bên Tàu). hai ông cùng sống vào đời nhà Tống. Có lần Tô Đông Pha đọc được hai câu thơ của Vương An Thạch, tể tướng đương thời: Minh nguyệt sơn đầu khiếu, Hoàng khuyển ngọa hoa tâm; cười chê, rằng trăng sáng (minh nguyệt) thì sao lại có thể kêu (khiếu), chó vàng (hoàng khuyển) sao co thể nằm trên lòng hoa (ngọa hoa tâm)? Và sửa lại, khiếu thành chiếu (chiếu sáng), hoa tâm (nhị hoa) thành hoa âm (bóng hoa). Mãi sau này, ông mới biết hóa ra có loài chim tên "minh nguyệt", và loài sâu tên "hoàng khuyển".

*
Hình (nguồn qiyuan.chaziwang): Cột bên phải, từ trên xuống: chữ đê 低 dạng giáp cốt, kim văn, tiểu triện, lệ thư, khải thư, thảo thư và hành thư. 



Comments